Thoả hiệp về cách chia nghị sĩ Hội nghị Lập hiến (Hoa Kỳ)

Thoả hiệp Connecticut

Roger Sherman của Connecticut

Đoàn đại biểu của Connecticut là Roger Sherman, Oliver Ellsworth, và William Samuel Johnson một vài lần đề nghị chia nghị sĩ Hạ nghị viện theo số dân, Thượng nghị viện thì các bang có số lượng bằng nhau.[81] Sherman lần đầu đề xuất thoả hiệp vào ngày 11 tháng 6. Ông đồng ý với Madison rằng dựng lên Thượng nghị viện để chữa bệnh tòng dân của Hạ nghị viện, nhưng cũng xét cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các bang.[82] James Madison ghi lại lời phát biểu ngày 11 tháng 6 của Sherman:[83]

Ông Sherman đề nghị số phiếu trong toà nghị dưới nên chia theo dân số tự do, trong toà nghị trên hay Thượng nghị viện thì mỗi bang chỉ nên có một phiếu. Ông nhận xét, các bang sẽ vẫn còn một số quyền lợi, cho nên mỗi bang phải có thể tự bảo vệ mình, nếu không thì một vài bang đông dân sẽ thống trị những bang còn lại. Hạ viện ở Anh có một số quyền cụ thể theo Hiến pháp, do đó có sức ảnh hưởng ngang Hạ viện để có thể bảo vệ được quyền lợi riêng.

Ngày 29 tháng 6, Johnson đưa ra cách nhìn giống vậy: “phải có một viện thay mặt người dân, một viện thay mặt các bang.”[84] Tuy nhiên, hai bên chưa chịu nhường bước nhau để thoả hiệp, các bang đông dân thì chưa thừa nhận yếu phải thua mạnh, các bang ít dân thì chưa thừa nhận quyền phải ứng với dân.[85] Các bang lớn nhỏ chẳng tin tưởng nhau, có lời bình luận của Gunning Bedford Jr. vào ngày 30 tháng 6 làm thí dụ cho. Bedford nói:[86]

Tôi không tin các ngài. Nếu có sức mạnh thì các ngài không thể bị hạn quyền được; vậy cái gì sẽ cứu giúp chúng tôi? . . . Vâng, thưa ngài, các bang đông dân sẽ tranh đua, nhưng không tranh đua với nhau - họ sẽ tranh đua với những bang còn lại. . . Các ngài sẽ nghiền nát các bang ít dân, hay để chúng yên? Chúng tôi thà nắm tay nước ngoài, chứ không chịu bị huỷ hoại.

Uỷ ban lớn

Benjamin Franklin của Pennsylvania

Sau một tháng thảo luận thì Đại hội quyết định giao việc xem xét thêm vấn đề hóc búa về cách chia nghị sĩ quốc hội cho một uỷ ban bao gồm một đại biểu từ mỗi bang có mặt. Uỷ ban nghiêng mạnh về các bang ít dân, vì ngay cả đại biểu của các bang đông dân cũng hay nhường bước.[87]

Đương lúc Đại hội ngừng họp ba ngày nhân kỳ nghỉ lễ Độc lập thì Uỷ ban lớn bắt đầu làm việc.[87] Uỷ ban quyết định chia nghị sĩ theo thoả hiệp của đoàn đại biểu Connecticut: dân biểu Hạ nghị viện sẽ chia theo số dân, bầu ra từ các khu bao gồm 40.000 người, các bang có số lượng thượng nghị sĩ bằng nhau. Tuy nhiên, để lấy được sự ủng hộ của các bang đông dân, Benjamin Franklin đề nghị Hạ nghị viện có độc quyền đưa ra các dự luật tăng tiền thuế hay tiền lương nhân viên chính phủ.[88]

Xem lại tỉ lệ ba phần năm

Ngày 5 tháng 7, Uỷ ban lớn trình báo cáo. Tuy nhiên, Đại hội trì trệ 11 ngày, các đại biểu cố gắng giành được càng nhiều phiếu bầu càng tốt cho bang của họ.[89] Ngày 6 tháng 7, Đại hội thiết lập uỷ ban gồm 5 người để ấn định số lượng dân biểu của các bang. Uỷ ban đề nghị Hạ nghị viện có 56 dân biểu, lấy “số lượng người da đen và người da trắng cùng của cải” làm nền móng chia. Các bang miền Bắc có 30 dân biểu, các bang miền Nam có 26. Đại biểu của các bang tự do phản đối tính nô lệ là dân vì họ không thể bỏ phiếu.[90][91]

Ngày 9 tháng 7, Đại hội lập uỷ ban mới để chia lại. Lần này, bao gồm 11 uỷ viên, mỗi bang có một. Uỷ ban đề nghị Hạ nghị viện có 65 dân biểu, chia theo số dân tự do cộng ba phần năm số dân nô lệ. Các bang miền Bắc có 35 dân biểu, miền Nam có 30. Đại biểu miền Nam không chịu để cho miền Bắc có nhiều dân biểu hơn, cho rằng uỷ ban đã tính sai số dân miền Nam. Đại hội chấp thuận bản báo cáo của uỷ ban, song quyền lợi trái ngược nhau của miền Bắc và miền Nam ngăn cản Đại hội đạt được sự đồng thuận.[91]

Ngày 10 tháng 7, Edmund Randolph đề nghị chính phủ điều tra số dân thường xuyên để chia dân biểu.[92] Tranh luận về việc điều tra, hai đại biểu Nam Carolina Pierce ButlerCharles Cotesworth Pinckney đề xướng đếm tất cả nô lệ thay vì ba phần năm, vì tài sản nô lệ làm giàu các bang miền Nam. Các đại biểu miền Bắc đã không muốn ủng hộ thoả hiệp ba phần năm, phát cáu. James Wilson là một trong những người tạo ra thoả hiệp bẻ, “Nô lệ là công dân phải không? Vậy tại sao không được ngang hàng công dân da trắng? Là tài sản phải không? Vậy tại sao không tính tài sản khác?”[93]

Sau khi tranh luận gay gắt thì Đại hội quyết định chia dân biểu và thuế trực thu của cả các bang đang có lẫn bất cứ bang mới nào theo số dân da trắng cộng ba phần năm số dân nô lệ. Sẽ điều tra số dân lần đầu sáu năm sau khi dựng lên chính phủ liên bang mới và cứ sau mười năm một lần.[94]

Đại hội thông qua Thoả hiệp Connecticut

Ngày 14 tháng 7, John Rutledge và James Wilson lại đề nghị chia thượng nghị sĩ theo dân số. Mặc dù Pinckney đề xuất cách chia để cho các bang ít dân có nhiều dân biểu hơn so với cách chia tương ứng hoàn toàn, đề nghị bị Đại hội bác bỏ.[95]

Ngày 16 tháng 7, Đại hội tổ chức biểu quyết ngang phiếu, thông qua Thoả hiệp Connecticut theo khuyến nghị của Uỷ ban lớn.[96] Ngày 23 tháng 7, quyết định mỗi bang có hai thượng nghị sĩ thay vì ba. Bác bỏ đề nghị của Luther Martin của Maryland rằng các thượng nghị sĩ của một bang cùng nhau bỏ một phiếu, như trong Quốc hội Hợp bang. Martin tin rằng để Thượng nghị viện bảo vệ được quyền lợi của các bang thì các thượng nghị sĩ phải đồng lòng quyết định. Đại hội để cho các thượng nghị sĩ bỏ phiếu riêng,[97] vừa ý của phe liên bang là ngăn chặn các bang ảnh hưởng thẳng cách Quốc hội làm luật.[98] Bản cuối cùng vừa có yếu tố của kế hoạch Madison, vừa chứa đựng mong muốn giữ gìn quyền bang của các đại biểu.[99]